Giới thiệu Liên hệ
IMG-LOGO

UNESCO công bố dữ liệu mới về tác động của COVID-19 đối với hệ sinh thái văn hóa

UNESCO - 20/06/2021 597 Lượt xem

Đại dịch đang làm gián đoạn cuộc sống, cộng đồng và doanh nghiệp trên toàn thế giới, đồng thời tác động sâu sắc đến toàn bộ hệ sinh thái văn hóa. Cuộc khủng hoảng đã bộc lộ rõ ​​hơn vai trò quan trọng của văn hóa như một nguồn lực chính cho khả năng phục hồi và kết nối.



Loạt báo cáo của UNESCO dựa trên các cuộc khảo sát và nghiên cứu gần đây cung cấp cái nhìn toàn cảnh về 5 lĩnh vực: di sản Thế giới, di sản sống, nền công nghiệp văn hóa - sáng tạo, các viện bảo tàng và các thành phố.

Báo cáo "Di sản Thế giới khi đối mặt với COVID-19" soi rõ tác động của việc đóng cửa các di sản đối với cộng đồng địa phương, nêu bật những thách thức chính do đại dịch mang lại. Báo cáo lưu ý rằng, vào đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng y tế, 90% các quốc gia buộc phải đóng cửa toàn bộ hoặc đóng cửa một phần các Di sản Thế giới. Vào năm 2020, số lượt khách ghé thăm các địa điểm di sản giảm 66% và doanh thu tại các địa điểm được khảo sát giảm 52%. 13% địa điểm được khảo sát ghi nhận rằng buộc phải sa thải nhân viên do hậu quả của COVID-19, với trung bình 40% nhân viên biên chế và 53% nhân viên tạm thời bị dôi dư.



Báo cáo "Di sản sống khi đối mặt với COVID-19" nêu bật tác động của đại dịch đối với di sản sống (những di sản đang có người sinh sống, ví dụ như làng cổ, nhà cổ). Báo cáo đề xuất ba lĩnh vực hành động rộng rãi cho các kế hoạch phục hồi sau đại dịch. Đầu tiên, điều quan trọng là phải tăng cường các cơ chế hỗ trợ trực tiếp cho những người đang sống tại các di sản sống. Thứ hai, cung cấp công nghệ kỹ thuật số để hỗ trợ khả năng phục hồi và bảo vệ, cũng như tăng khả năng hiển thị và được công nhận của các di sản sống. Cuối cùng, cần tăng cường lồng ghép việc bảo vệ di sản sống vào các kế hoạch chuẩn bị, ứng phó và phục hồi sau đại dịch.

Báo cáo "Các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo khi đối mặt với COVID-19": số người mất việc làm trong lĩnh vực này ước tính rơi vào khoảng 10 triệu trên toàn thế giới, cho thấy sự sụt giảm nhanh chóng về việc làm đang ảnh hưởng sâu sắc đến sinh kế của những người lao động sáng tạo, đặc biệt là những người làm nghề tự do đang bị mất thu nhập và thất nghiệp ở mức cao hơn. Báo cáo đưa ra các ví dụ về những đổi mới kỹ thuật số nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng chưa từng có này, đồng thời chỉ ra quá trình thích ứng kỹ thuật số trong ngành văn hóa và sáng tạo đã kích hoạt sự phát triển của các mô hình sản xuất, phân phối và tiêu dùng mới.

Báo cáo "Bảo tàng trên Thế giới đối mặt với COVID-19", báo cáo thứ hai của UNESCO về tác động của COVID-19 đối với các bảo tàng, với ước tính số lượng bảo tàng hiện nay trên thế giới là khoảng 104.000. Vào năm 2020, các bảo tàng đã đóng cửa trung bình hơn 5 tháng (155 ngày) và kể từ đầu năm 2021, nhiều bảo tàng trong số đó lại phải đóng cửa lần nữa. Báo cáo thúc giục việc thực hiện các chính sách số hóa để kiểm kê các bộ sưu tập, hỗ trợ bảo tàng tiếp cận với cộng đồng một cách hiệu quả, nhấn mạnh rằng nếu không có các chính sách cấp bách thì vị trí của các bảo tàng trong các chính sách văn hóa có thể bị đe dọa.

 

Báo cáo "Thành phố, Văn hóa, Sáng tạo: Tận dụng Văn hóa và Sáng tạo để Phát triển Bền vững và Tăng trưởng Toàn diện" là một báo cáo quan điểm chung do UNESCO và Ngân hàng Thế giới thực hiện. Báo cáo đưa ra một khuôn khổ để các thành phố trở nên sáng tạo hơn bằng cách khai thác sáu yếu tố hỗ trợ, bao gồm: cơ sở hạ tầng đô thị và khả năng sống, kỹ năng và đổi mới, mạng lưới và hỗ trợ tài chính, các thể chế và quy định bao trùm, tính duy nhất và môi trường kỹ thuật số. Báo cáo cho thấy mối liên hệ giữa các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo với sự năng động và phát triển của thành phố, 13% việc làm tại thành phố trong các ngành công nghiệp sáng tạo tập trung ở các thành phố lớn trên toàn thế giới. Báo cáo trình bày một loạt các khuyến nghị và nguyên tắc hướng dẫn nhằm hỗ trợ các thành phố thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững.

Báo cáo "Phản ứng của các Thành phố Sáng tạo UNESCO đối với COVID-19" tập hợp các thực hành tốt về phản ứng dựa trên văn hóa đối với đại dịch từ 246 Thành phố Sáng tạo được UNESCO công nhận. Các thực hành liên quan đến bảy lĩnh vực sáng tạo: Thủ công mỹ nghệ và Nghệ thuật Dân gian, Nghệ thuật Truyền thông, Điện ảnh, Thiết kế, Ẩm thực, Văn học và Âm nhạc. Có thể kể đến dự án “City to City” do chín Thành phố Sáng tạo của UNESCO về Nghệ thuật Truyền thông đưa ra, nêu bật vai trò nghệ thuật trong việc tìm kiếm giải pháp cho những thách thức toàn cầu.

Bức tranh tổng thể được vẽ bởi các báo cáo này chỉ ra rõ ràng rằng khi cuộc khủng hoảng y tế hạn chế khả năng tiếp cận và tham gia vào văn hóa, những cách thức mới để trải nghiệm - đặc biệt là thông qua các phương tiện ảo và kỹ thuật số - đã được mở ra mạnh mẽ. Các báo cáo khuếch đại kinh nghiệm và mối quan tâm của các chính phủ và các bên liên quan khác - từ các chuyên gia văn hóa, chính quyền quốc gia và địa phương đến xã hội dân sự - nêu bật nhu cầu thực sự về các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ văn hóa nhằm phục hồi và phát triển.

Tiếp cận danh mục báo cáo của UNESCO tại: Báo cáo UNESCO về Văn hóa (tiếng Anh)

Theo: UNESCO



Ý kiến bạn đọc

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *