Trường ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM thông báo thí sinh có thể sử dụng phương thức xét tổng điểm của 5 học kỳ THPT (không bao gồm học kỳ 2 lớp 12) để đăng ký xét tuyển vào trường trong năm 2020.
Với phương thức này, thí sinh cần đảm bảo tổng điểm trung bình 5 học kỳ từ 30 điểm trở lên và tốt nghiệp THPT hoặc tương đương.
Trường hợp thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có thể nộp trước đơn đăng ký xét tuyển, học bạ trong đợt đầu tiên. Sau đó tiếp tục bổ sung bản sao giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời để được công nhận kết quả trúng tuyển. Với phương thức xét tuyển học bạ 5 học kỳ, thí sinh đã có thể bắt đầu nộp hồ sơ từ trong tháng 3 này.
TS Bùi Tín Nghị, Giám đốc Học viện Ngân hàng cũng cho biết kế hoạch tuyển sinh vẫn phải lùi theo lịch chung của Bộ GD&ĐT. Theo TS Nghị, chủ trương tinh giản chương trình học kỳ 2 của Bộ GD&ĐT không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng đào tạo của ĐH. Vì các trường vẫn tuyển theo độ dốc từ cao đến thấp. “Hơn nữa, kiến thức được tích lũy từ nhiều lớp. Tư duy của thí sinh được hình thành trong cả quá trình học 12 năm học. Nếu nói có bị ảnh hưởng thì đó là kế hoạch đào tạo và tại thời điểm đánh giá. Nhưng về lâu dài không có tác động gì nhiều đến quá trình đào tạo người học sau này” , TS Bùi Tín Nghị khẳng định.
Hoàn toàn chủ động tuyển sinh
Thời điểm hiện tại, dù Bộ GD&ĐT đã quyết định lùi kỳ thi THPT quốc gia đến ngày 8/8 nhưng việc tính mốc thời gian này là Bộ GD&ĐT dự kiến học sinh sẽ nghỉ học đến hết tháng 3/2020. Tuy nhiên, dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp nên thời gian quay lại trường của học sinh chưa thể xác định. Chính vì vậy, rất có thể, kỳ thi THPT quốc gia sẽ tiếp tục lùi. Nhiều nhà giáo đã đề xuất Bộ nên dừng kỳ thi này và chỉ xét tốt nghiệp THPT quốc gia.
Các trường ĐH được tự chủ trong tuyển sinh nên có thể sử dụng hoặc không sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để tuyển sinh. Bản chất của tuyển sinh là lựa chọn thí sinh có đủ kiến thức, kỹ năng, thái độ để theo học các chương trình đào tạo bậc ĐH.
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Phó Trưởng ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết kỳ thi THPT được quy định tại Luật Giáo Dục 2019 nên việc không tổ chức kỳ thi là thẩm quyền của các cấp cao. Hiện nay chưa có văn bản nào quy định hay hướng dẫn thay thế kỳ thi này bằng các hình thức khác. GS Nguyễn Tiến Thảo khẳng định tuyển sinh ĐH và thi THPT quốc gia là 2 việc tách biệt.
Các trường ĐH được tự chủ trong tuyển sinh nên có thể sử dụng hoặc không sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để tuyển sinh. Bản chất của tuyển sinh là lựa chọn thí sinh có đủ kiến thức, kỹ năng, thái độ để theo học các chương trình đào tạo bậc ĐH. Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn các trường lấy kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển sinh. Vì vậy nếu không tổ chức thi THPT sẽ có ảnh hưởng đến cách thức xét tuyển ĐH và lịch trình đào tạo của hệ thống các trường trong cả nước nói chung và ĐH Quốc gia Hà Nội nói riêng.
“Giả sử nếu chúng ta không tổ chức thi THPT quốc gia và xét tuyển bằng cách thức nào đó nhưng không thể triệu tập thí sinh tập trung nhập học, không thể triển khai lịch trình đào tạo thì cũng không giải quyết được vấn đề cốt lõi”, GS Nguyễn Tiến Thảo cho hay.
Về phương án tuyển sinh dự kiến nếu kỳ thi THPT quốc gia không diễn ra, GS Nguyễn Tiến Thảo thông tin năm 2015-2017, ĐH Quốc gia Hà Nội đã tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển ĐH với quy mô thí sinh tham dự khoảng 70.000 -100.000. Hiện nay, hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu và đề thi vẫn được bảo quản toàn vẹn.
Ngay từ khi Bộ GD&ĐT thông báo kỳ thi THPTQG năm 2020 giữ ổn định như 2019 nhưng sẽ có những thay đổi điều chỉnh từ năm 2021 để phù hợp với mục tiêu xét tốt nghiệp THPT, ĐH Quốc gia Hà Nội đã xây dựng các kịch bản cho công tác tuyển sinh ĐH chính quy giai đoạn 2021-2025.
Trước tình hình dịch Covid-19 ngày càng diễn biến theo chiều hướng phức tạp, khó tiên lượng nên Ban Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội đã chỉ đạo các bộ phận chức năng chuẩn bị mọi kịch bản ứng phó và có thể áp dụng ngay trong năm 2020 nếu cần.
“Với kinh nghiệm đã tổ chức thi đánh giá năng lực trên máy tính các năm trước đây, chúng tôi hoàn toàn chủ động triển khai kỳ thi tuyển sinh trực tuyến tại một số địa điểm theo nhiều đợt thông qua hình thức phân tán số lượng thí sinh để hạn chế tập trung đông người; có sự giám sát y tế. Ma trận đề thi, cấu trúc bài thi cũng được thiết kế đảm bảo cân bằng độ khó, tính độc lập giữa các đề thi và cân bằng đề trong mỗi bài thi, đợt thi. Với chỉ tiêu tuyển sinh của ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2020 là hơn 10.000 chỉ tiêu, chúng tôi hoàn toàn có thể hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch năm học và phục vụ các trường ĐH khác trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nếu có nhu cầu”, GS Nguyễn Tiến Thảo khẳng định.
Theo: Huy Quang
Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *