Tình yêu ấy được thắp lên và vun bồi không chỉ bởi vẻ đẹp của thiên nhiên, sự ấm nồng của đất và người mà còn được vun bồi bởi chính ngôn ngữ của đất nước này – tiếng Việt.
Ai đã từng học dù chỉ một vài câu tiếng nước ngoài đơn giản rồi được nói câu đó với người bản địa chắc hẳn sẽ cảm nhận được niềm vui như mạch nước ngầm nho nhỏ chảy trong tim mình. Mỗi người nước ngoài khi đến Việt Nam, dù chỉ là một câu đơn giản “ xin chào”, cảm ơn” với mỗi người mà họ gặp và nhận lại lời đáp cùng những nụ cười chắc hẳn cũng đều có một niềm vui như thế. Và một cách cũng rất tự nhiên, mỗi người Việt Nam khi nghe một người nước ngoài nói tiếng nói của dân tộc mình, dù chẳng tròn vành rõ chữ, dù phát âm còn “ngọng líu ngọng lô” nhưng ai cũng cảm thấy thân thương và niềm yêu mến tự nhiên với một người bạn đến từ vùng đất xa xôi nào đó. Tiếng Việt, như thế ấy, đã phá vỡ “ tảng băng” tâm lý và kéo những con người xa lạ đến gần nhau hơn...
Ấy là tiếng Việt đối với những người bạn lần đầu đến Việt Nam. Và luôn là sự thuận tiện, là những trải nghiệm thú vị , đầy bất ngờ với những ai yêu tiếng Việt như ngôn ngữ thứ hai của mình, yêu VN như quê hương thứ hai của mình.
Ấy là những phút giây một cô nhân viên chăm chỉ trong quán ăn nọ bối rối và lúng túng vì lời động viên của một vị khách người Pháp tốt bụng “ Em ơi, em bẩn quá”. Ngơ người...định thần ...rồi cô mới hiểu: đó là lời nói thật ấm lòng “ em ơi, em bận quá”.
Ấy là câu chuyện sang đường hoàn toàn không dễ với người nước ngoài, được các anh kể lại bằng những câu tiếng Việt vô cùng hào hứng “ Tôi đã sang đường thành công”. Ấy là câu chuyện lạc trên vùng cao của đôi vợ chồng người Hàn nọ mà nhờ đôi câu tiếng Việt mà họ đã có một chuyến đi tràn đầy tiếng cười ...Tiếng Việt như thế ấy đã gieo vào cuộc sống của những ai gắn bó với mảnh đất này mỗi ngày thêm những niềm vui...
Và cũng chính bởi những trải nghiệm như thế, mỗi khi được đắm mình trong không gian văn hóa truyền thống với tà áo tứ thân cùng nón thúng quai thao, dập dìu trong những điệu múa sạp rộn ràng hay hào hứng với những chiếc bánh chưng ngày tết Việt do tự tay mình trải nghiệm... là mỗi lần tình yêu của những người bạn đến từ những đất nước xa xôi cũng như những người con xa xứ lại lớn lên tự lúc nào không hay. Đến một lúc nào đó, Việt Nam như trở thành quê hương thứ hai của họ, và tiếng Việt, nói như doanh nhân Singapore Phua Koon Kee, đã trở thành “ tiếng mẹ vợ ” của mình vậy.
Có lẽ, giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc trong giai đoạn hiện nay không chỉ nằm ở chiến lược và tâm huyết trong việc đưa các loại hình văn hóa dân tộc này thấm sâu hơn nữa vào đời sống người Việt mà còn là những nỗ lực để giới thiệu và góp phần lan tỏa vẻ đẹp cũng như những nét văn hóa đặc sắc này đến với bạn bè quốc tế. Và Tiếng Việt – trong hành trình ấy sẽ là cầu nối “ kết nối tình yêu” của bạn bè quốc tế đối với đất nước và con người Việt Nam cũng như của những người con xa xứ hướng về tổ quốc quê hương mình.
Đó cũng chính là sứ mệnh mà những người khi làm công tác giảng dạy Tiếng Việt cho người nước ngoài luôn ý thức và coi đó như là tâm huyết của cuộc đời mình, cùng góp những ngọn lửa nhỏ để thắp lên ngọn đuốc sáng của tâm hồn và trí tuệ Việt Nam.
Theo:
Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *