Từ Mỹ, danh ca Khánh Ly xác nhận với phóng viên rằng bà Thái Thanh đã qua đời, hưởng thọ 86 tuổi.
Theo Khánh Ly, bà Thái Thanh bị ốm nhiều năm nay và qua đời do tuổi già sức yếu. Năm 2000, nữ danh ca từng bị tai biến mạch máu não phải nhập viện cấp cứu. Năm 2005, gia đình đã tổ chức một đêm nhạc thính phòng mang tên “Vinh danh Thái Thanh, tiếng hát vượt thời gian” tại Montreal - Canada với sự tham gia của Thái Thanh cùng nhiều ca sĩ nổi tiếng của thế hệ sau như: Tuấn Ngọc, Ý Lan, Trần Thu Hà…
Nhấn để phóng to ảnh
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ca sĩ Bằng Kiều cũng không giấu được sự thương tiếc trước sự ra đi của nữ danh ca Thái Thanh.
Trên trang cá nhân, đạo diễn Thanh Hiệp cũng bùi ngùi chia sẻ: “Vĩnh biệt nữ danh ca Thái Thanh - một huyền thoại tuyệt vời của âm nhạc Việt Nam. Bà ra đi trong sự tiếc thương của hàng triệu trái tim yêu mến tiếng hát vượt thời gian, không gian và bất hủ trong âm nhạc Việt. Thắp nén hương tiễn biệt nữ danh ca Thái Thanh - nhân cách và tài năng của bà sống mãi với thời gian”. Anh cũng viết, nữ danh ca đã qua đời tại Mỹ vào lúc 11 giờ 20 ngày 17/3 (giờ địa phương).
Thái Thanh tên thật là Phạm Thị Băng Thanh, sinh ngày 5/8/1934 tại làng Bạch Mai, Hà Nội. Thái Thanh từng được coi là diva của làng nhạc TP.HCM ngày xưa. Bà vốn là con nhà nòi âm nhạc, chị gái là ca sĩ Thái Hằng, anh rể là nhạc sĩ Phạm Duy, anh trai là nhạc sĩ Phạm Đình Chương, con gái là ca sĩ Ý Lan.
Nữ danh ca Thái Thanh (giữa) và con gái, danh ca Ý Lan (phải) trong đêm nhạc vinh danh bà tổ chức tại Canada.
Bà bắt đầu hát từ năm 13, 14 tuổi. Nữ danh ca không còn nhớ rõ bài hát đầu tiên mà mình trình diễn là bài nào nhưng chắc chắn là một bài hát của Phạm Duy. Lúc đó, nhạc sĩ Phạm Duy đang theo đuổi Thái Hằng nên thường dùng Thái Thanh làm cái cớ lấy điểm với chị Thái Hằng. Mà nhạc sĩ Phạm Duy nổi tiếng với tài sáng tác, nên chỉ nghĩ ra cách lấy điểm nhanh nhất và hiệu quả nhất là qua con đường âm nhạc.
Khi còn nhỏ, Thái Thanh không theo học nhạc ở trường lớp nào. Nhạc lý cũng như là xướng âm, Thái Thanh phải đặt mua sách từ bên Pháp, theo đó tự học, có gì khó hỏi nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Phạm Đình Chương cũng chủ yếu là tự học rồi từ vốn kiến thức đó lại trở thành thầy của em gái.
Thái Thanh lập gia đình với Lê Quỳnh năm 1956 và sinh liên tiếp 5 người con, 3 gái, 2 trai. Đó là: Ý Lan sinh năm 1957, Lê Việt 1958, Quỳnh Dao tức Quỳnh Hương 1960, Thanh Loan 1962 và Lê Đại 1964. Thái Thanh được biết đến là nữ danh ca có ảnh hưởng lớn ở Sài Gòn trước năm 1975 nhưng cũng là một người mẹ hết mình vì gia đình.
Ý Lan luôn coi mẹ là thần tượng trong cuộc sống cũng như trong âm nhạc. Mỗi khi nhắc về mẹ, những câu chuyện của Ý Lan luôn đầy ắp tâm tư. Bởi với chị, danh ca Thái Thanh vừa là mẹ, vừa là thầy lại vừa là thần tượng trong suốt cuộc đời mình.
Ý Lan mê nhạc của mẹ từ ngày bé (Ảnh NSCC)
Ý Lan từng xúc động chia sẻ về mẹ trên Dân trí: “Độ 5, 6 tuổi, mỗi buổi sáng mở mắt thức dậy, việc đầu tiên Ý Lan làm là bắc ghế đẩu trèo lên ráp hai cuốn băng nghe nhạc của mẹ. Với tôi, âm nhạc là sự thức dậy mỗi ngày. Ý Lan mê mẹ, mê nhạc của mẹ từ lúc còn rất bé.
Mẹ tôi là một người đàn bà tình cảm và rất can đảm. Suốt thời thơ ấu cho đến khi trưởng thành, hình ảnh của mẹ Thái Thanh âu yếm, chăm sóc và yêu thương các con đã ảnh hưởng đến tôi rất nhiều”...
Sự ra đi của danh ca Thái Thanh đã để lại nhiều thương tiếc cho các ca sĩ, nghệ sĩ đồng nghiệp thuộc nhiều thế hệ bởi bà là người đam mê cho nghệ thuật. Nhắc đến Thái Thanh không thể quên các ca khúc: “Ngày xưa Hoàng Thị”, “Nghìn trùng xa cách”, “Áo anh sứt chỉ đường tà”, “Làng tôi”…
Ca sĩ Bằng Kiều: “Tôi nghe chị Ý Lan kể, mấy năm nay, cô Thái Thanh bị bệnh đãng trí của người già nên cô quên gần hết. Với tôi, thì cô Thái Thanh lúc nào cũng sống mãi với hình ảnh áo dài, tóc trắng xóa..., giọng hát thì trước đây vài năm thôi vẫn đầy lôi cuốn.
Tôi có may mắn được hát cùng cô Thái Thanh vài lần. Cô vui tính, hài hước nhưng vô cùng điệu đà. Ở cô lúc nào cũng toát lên vẻ sang trọng, quý phái. Giọng hát của cô cũng vậy, sang lắm mà lại ngọt lắm...
Bởi vậy cả nửa thế kỷ qua, cho đến tận bây giờ, tôi chưa thấy ai hát những nhạc phẩm cô từng hát mà so sánh được với cô. Và có lẽ nhiều năm sau nữa cũng khó tìm. Cô là huyền thoại của nền âm nhạc Việt Nam, là thần tượng của biết bao thế hệ.
Bằng Kiều xin được cúi đầu trước vong linh cô, một huyền thoại tài đức vẹn toàn. Cầu cho cô an nhiên nơi thiên đàng. Giọng hát của cô sẽ mãi mãi còn vang trong lòng người yêu nhạc!”.
Nguyễn Hằng
Theo: Tác Giả
Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *