Giới thiệu Liên hệ
IMG-LOGO

Một mốc son - Một chặng đường

- 19/03/2020 375 Lượt xem

Hàng chục đoàn Nghệ thuật xuất sắc, từ nhiều địa phương và tỉnh thành trong cả nước họp mặt đông đủ. Trong đó, có những đoàn Nghệ thuật song hành cùng Unesco  trong nhiều sự kiện văn hóa. Đặc biệt phải kể đến đây là những đơn vị thành viên trực thuộc Trung tâm Unesco Phát triển Văn hóa và Thế thao như:

 ­- Đoàn Nghệ thuật Dân gian Truyền thống Sông Hồng

   Trưởng đoàn: Nghệ sỹ Mỹ Duyên

 - Đoàn Trống hội Thăng Long

   Trưởng đoàn: Nghệ nhân dân gian Nguyễn Minh Tám

 - Câu lạc bộ ca Trù Bích Câu đạo quán

   Chủ nhiệm CLB: Nghệ nhân ƯT Nguyễn Vân Mai

-  Câu lạc bộ Thái cực quyền Đầm sen Thủy sứ

   Chủ nhiệm CLB: Võ sư Hoàng Kim Xuân

Và một số các CLB khác…

Sự góp mặt nhiệt tình của các nghệ nhân dân gian, đem đến một không khí lễ hội đậm tính nhân văn, trong không gian Hoàng thành Thăng long ngàn năm văn hiến.

Những lời ca thấm đẫm hồn xưa, được các tập thể nghệ sỹ thể hiện qua những làn điệu dân gian như hát Xoan, hát Then,  hát Bội, hát Quan họ, hát Chèo, hát Xẩm, hát Văn, hát Bài chòi, Ca trù, Ví dặm ... Trên sân khấu Hoàng thành , các nghệ sỹ dân gian cống hiến và cháy hết mình cho nghệ thuật, cho những di sản phi vật thể của nước nhà. Có tới hơn 20 loại hình nghệ thuật dân gian được biểu diễn trên sân khấu Hoàng thành vào hai ngày diễn ra Lễ Hội. Trong số đó có tới 7 loại hình nghệ thuật đã được tổ chức Unesco thế giới công nhân Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Không chỉ có vậy, người dân thủ đô Hà Nội, du khách trong và ngoài nước còn được sống trong không gian văn hóa Việt xưa. Với lợi thế không gian biểu diễn rộng lớn, Trung tâm Unesco Phát triển Văn hóa và Thể thao đã khai thác triệt để yếu tố truyền thống ngàn năm văn vật.  Công ty tổ chức sự kiện Hemera với những ý tưởng sáng tạo, tinh tế đã mang đến không gian tương tác tuyệt vời giữa nghệ sỹ, nghệ nhân và khán giả.

Bề dày lịch sử dựng nước và giữ nước đã tạo nên nền tảng văn hóa và là nguồn cảm hứng cho Ban tổ chức. Những trò chơi dân gian được tái hiện đa dạng, phong phú, đầy mầu sắc. Kéo co, đẩy gậy, ném còn, đi cầu khỉ ...... là những trò chơi được rất đông du khách hưởng ứng. Những cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc, chạy dọc chiều dài lịch sử dân tộc, đã nhào luyện những trò chơi dân gian thành bài luyện tập thể chất. Du khách như xích lại gần nhau hơn, trong những trò chơi dân gian tập thể.

Những du khách Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản ... đến từ châu Á, đã quen với những trò chơi dân gian và tham gia nhiệt tình. Du khách châu Âu sau vài phút bỡ ngỡ cũng hòa mình vào kéo co, đẩy gậy, chạy cầu khỉ, đi cà kheo...  không hề khách sáo.

Không hiếm các cư dân lớn tuổi Thủ đô cũng " xin một vé về tuổi thơ ", cùng hò reo tham gia vào các trò chơi dân gian. Những ánh mắt ngời vui trên khuôn mặt du khách. Tất cả như minh chứng cho sức cuốn hút đến kỳ lạ của Di sản văn hóa Việt.

Thảm cỏ sân trước Hoàng thành Thăng Long Hà Nội ngày Lễ hội như một bức tranh với nhiều sắc mầu lấp lánh. Chỗ này kéo co, chỗ kia đánh võ . Lũ trẻ con đằng kia xúm xít nặn tò he xanh xanh đỏ đỏ... Dãy nhà tranh mái lá, với nhóm ông đồ khăn xếp áo the nghiêm cẩn cho chữ Thư pháp. Tiếng trống trận , trống hội khua vang rộn ràng như tiếng trống điểm binh xưa. Tất cả đã tạo nên bữa tiệc văn hóa đầy mầu sắc, được những con người tâm huyết với di sản văn hóa Việt thành kính dâng lên tổ tiên nơi địa linh nhân kiệt.

Ngược dòng thời gian  hơn 2 năm về trước, trên một căn gác nhỏ phố Quang Trung vẻn vẹn hơn chục mét vuông, có năm hội viên Unesco Việt Nam nhóm họp, với khát khao chung tay sưu tầm, phục hồi và quảng bá Di sản Văn hóa Việt.

Biết bao khó khăn, trở ngại trong những ngày đầu tiên mò mẫm định hướng. Chuyện thành bại rất cần một hướng đi đúng. Không ai chỉ việc, không có ai hỗ trợ và khởi đầu bằng nguồn kinh phí xã hội hóa 100%,  theo chủ trương của Đảng và Nhà nước  thời điểm đó. Với niềm tin tưởng tuyệt đối mang mầu sắc  tâm linh " Mình có tâm, chắc các cụ tổ tiên sẽ phù hộ". Cả nhóm  cùng động viên nhau, vượt qua những rào cản vô hình những ngày đầu khởi sự.

Từng bước, từng bước dò dẫm, cuối cùng thành quả đầu tiên đã đến. Ngày 5/8/2017 Ban Quản lý Dự án Chương trình biểu diễn Văn hóa và Thể thao tại các tuyến phố đi bộ Hà Nội được thành lập. Mọi hoạt động của Ban được sự bảo trợ trực tiếp và phân công nhiệm vụ  của Liên hiệp các Hội Unesco Việt Nam.  

Cụ thể là :

- Ông Nguyễn Đức Lưu  Giám đốc Dự án

- Ông Hoàng Kim Xuân Phó Giám đốc Dự án

- Bà Đỗ Hồng Thu Thủ quỹ

- Ông Nguyễn Chí Dũng Cố vấn Dự án

- Ông Trương Minh Tiến Phụ trách đối ngoại

Chỉ 3 tháng sau khi thành lập, Ban đã tổ chức sự kiện đầu tiên tại Quảng trường Vua Lý Thái Tổ ngay cạnh hồ Gươm Hà Nội.

 Sự kiện biểu diễn nghệ thuật dân gian phục vụ quảng bá Phố đi bộ quanh hồ Gươm được nhân dân Thủ đô, du khách hưởng ứng nhiệt tình, được Sở văn hóa thể thao và du lịch Hà Nội đánh giá cao. Có thể nói, đây chính là bước khởi đầu,  tạo nên  tiền đề thuận lợi, cho những hoạt động của Ban giai đoạn sau.

Trải qua 2 năm, một chặng đường tuy không dài nhưng không phải quá ngắn với một dự án. Ngày 8/4/2018 Ban được đổi tên thành Ban bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Việt Nam. Hoài bão lớn còn nhiều và trước mắt cũng còn rất nhiều việc phải làm. Khác với xưa, những hoạt động của Ban ngày hôm nay đã nhận được những lời động viên tinh thần , hỗ trợ về vật chất của các cấp chính quyền, cũng như Liên hiệp các Hội Unesco Việt Nam, cùng các tổ chức đoàn thể xã hội khác trong Cộng đồng.

Sự hiện diện của ông Nguyễn Xuân Thắng , Chủ tịch Liên hiệp các Hội Unesco Việt Nam - Tổng thư ký Liên hiệp các Hội Unesco Thế giới; Ông Đào Đức Toàn Phó bí thư Thành ủy Hà Nội; Ông Ngô Văn Quý Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; Ông Tô Văn Động  Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội; Cùng một số sở ban ngành liên quan trong ngày Lễ hội Di sản Văn hóa Việt Nam lần thứ nhất, được coi  như một minh chứng, một lời khẳng định về định hướng đúng đắn của Ban trên con đường giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa Việt.

Những hoạt động của Ban bảo tồn và phát huy những giá trị  Di sản văn hóa Việt, đã được lan tỏa trong Cộng  đồng, thông qua các hoạt động văn hóa. Một lần nữa, tinh thần Unesco, văn hóa Unesco đã chắp cách cho những Di sản văn hóa Việt Nam vươn tầm quốc tế.

Di sản Văn hóa phi vật thể Việt Nam ngày hôm nay không còn là "tiếng vọng từ ngàn xưa". Ngày từ những tháng ngày đầu tiên non trẻ, nhà nước  Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã sớm nhận ra việc bảo tồn di sản văn hóa rất quan trọng cho công cuộc kiến thiết đất nước. Sắc lệnh số 65/SL ngày 23/11/1945 của Chính phủ ta đã "ấn định nhiệm vụ của Đông phương bác cổ học viện". Sau đó, ngày này trở thành ngày Di sản Văn hóa Việt Nam.

Lúc sinh thời, vào năm 1958, phát biểu tại Hội nghị cán bộ văn hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Các cán bộ văn hóa cần phải giúp sáng tác của quần chúng. Những sáng tác ấy là những hòn ngọc quý". Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày đó thật giản dị, nhưng đã là những định hướng đầu tiên về bảo vệ các di sản văn hóa phi vật thể.

Tổ chức thành công Ngày hội Di sản Văn hóa Việt Nam lần thứ nhất tại Hoàng thành Thăng Long, được coi như mốc son đầu tiên của Ban. Sự kiện này đã đánh dấu hoạt động hiệu quả của Ban Bảo tồn và phát huy các Di sản Văn hóa Việt Nam nói riêng, cũng như Liên hiệp các Hội Unesco Việt Nam nói chung.

Từ năm 2018, Ban bảo tồn và phát huy các Di sản Văn hóa Việt chính thức nhận nhiệm vụ: Tổ chức thường niên Ngày hội Di sản Văn hóa Việt Nam tại Hoàng thành Thăng Long.  Ban sẽ tiếp tục đảm nhiệm  vai trò tiên phong trong việc tham mưu và tổ chức các sự kiện liên quan tới Di sản Văn hóa Việt Nam, trong khuôn khổ các hoạt động của Liên hiệp các Hội Unesco Việt Nam.

Nguyn Chí Dũng

 

Theo:



Ý kiến bạn đọc

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *