Người chị cả với tình yêu nghệ thuật, nhiệt huyết và năng động
Gọi là chị cả vì trong đoàn không có ai nhiều tuổi hơn bà, nhưng quả thực bà trẻ, đẹp hơn rất nhiều so với tuổi thật. Sinh ra và lớn lên ở Nguyên Xá, Đông Hưng, Thái Bình chính là cái nôi của hát chèo; cô gái Nguyễn Thị Minh Tám sớm được tiếp thu những lời hát, điệu múa, từng nhịp phách, nhịp trống của âm nhạc dân gian truyền thống. Say mê với những làn điệu dân gian đó, từ khi còn nhỏ Nguyễn Thị Minh Tám đã tận dụng tất cả những gì có sẵn ở làng quê để tạo cho mình giống như các nghệ sĩ, lúc đó sân khấu của bà là cánh đồng lúa chín vàng, thảm cỏ xanh mướt nơi bà đi chăn trâu, là sân nhà, sân đình nơi bà sinh sống.
Trong những năm tháng đất nước có chiến tranh, khi Hà Nội ngập chìm trong mưa bom, bão đạn của giặc Mỹ, lời ca, tiếng hát của bà là nguồn cổ vũ tinh thần chiến đấu cho đồng đội. Sau khi hòa bình, đất nước thống nhất, bà vẫn tiếp tục niềm say mê ca hát, công tác ở nhiều các cơ quan khác nhau bà luôn có những đóng góp tích cực cho hoạt động văn nghệ phong trào. Năm 1987, bà đã vinh dự được Chủ tịch nước Trường Chinh trao tặng Huân chương kháng chiến Hạng Ba.
Các thành tích đạt được của đoàn cũng như ngày càng gây được tiếng vang, uy tín với các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài… trong đó có sự đóng góp nhiệt tình, không mệt mỏi của các anh, chị em nghệ sĩ, nghệ nhân như: Lê Hùng Sơn; Lã Thị Hiền; Phùng Thị Tâm; Lê Sĩ Hùng và còn nhiêù các anh, chị em khác trong đoàn…Đoàn Nghệ thuật Trống hội Thăng Long, tiền thân là câu lạc bộ (CLB) Đàn hát Dân ca Đài Tiếng nói Việt Nam. Người chị cả - trưởng đoàn Nguyễn Thị Minh Tám có vóc dáng nhỏ bé nhưng rất năng động, bà đã dẫn dắt đoàn đạt được nhiều thành tích trong các cuộc thi, chương trình biểu diễn lớn, nhỏ, ở các tỉnh thành trong nước suốt nhiều năm qua. Có thể kể đến gần đây nhất là các chương trình: Dàn dựng tiết mục mở màn kỷ niệm 70 năm thành lập Đài tiếng nói Việt Nam; Chương trình biểu diễn tại lễ kỷ niệm 60 năm Dân ca, nhạc Cổ truyền của Đài tiếng nói Việt Nam; Kỷ niệm những người yêu Nghệ thuật Chèo toàn quốc lần thứ 4 tại Hà Đông. Các trương trình lớn của nhà nước như: Xuân Quê hương 2018 tại Hà Nội; Phát động trồng cây đâù xuân… và rất nhiều các chương trình khác không thể kể hết ở đây đều được bà dàn dựng, chỉ đạo, dẫn dắt anh, chị em biểu diễn thành công.
Tất cả họ đều có chung suy nghĩ “Cống hiến và cống hiến hết mình” cho cộng đồng, cho nhân dân Việt Nam. Các tiết mục như vốn liếng, tài sản của đoàn thường xuyên được mang đi biểu diễn như: trống tế, trống hội, các tiết mục múa lân, múa lụa, múa xênh tiền, hát xẩm, hát chầu văn… đã được biểu diễn tại nhiều chương trình của Nhà nước và địa phương.
Sự năng nổ, nhiệt tình trong công việc cũng như trong cuộc sống nên bà Nguyễn Thị Minh Tám được các tổ chức, đoàn thể tín nhiệm, giao cho đảm nhiệm nhiều vai trò, trọng trách khác nhau: Phó Chủ nhiệm Hội Cựu chiến binh Phật tử Quán Sứ; Chủ nhiệm Hội Bơi lội Người cao tuổi quận Cầu Giấy; Chủ nhiệm CLB Những người yêu dân ca quận Cầu Giấy.
Chất keo kết dính, xây dựng tập thể, gìn giữ di sản văn hóa dân gian
Thành công là thế, vẻ vang là thế, tuy nhiên để có được những thành công đó, bà đã lao động nghệ thuật cật lực, tình yêu và sự cống hiến hết mình cho thể thao và nghệ thuật khiến bà mạnh khỏe, trẻ trung, nhanh nhẹn và hoạt bát. Những đêm chăn trở với các chương trình, tiết mục chuẩn bị biểu diễn ngày hôm sau, làm sao đẹp nhất, hay nhất, nhiều lần như thế trong sự nghiệp, tự lúc nào đã trở thành kỹ năng điêu luyện, bản lĩnh sân khấu của bà.
Sau những chăn trở ở sân khấu là những chăn trở để tiếp tục gìn giữ những môn nghệ thuật dân gian cho thế hệ mai sau trước xu hướng phát triển xã hội và sự du nhập hỗn tạp âm nhạc, văn hóa nước ngoài. Vì vậy bà đã thường xuyên đi dạy, dàn dựng tiết mục miễn phí cho những câu lạc bộ, đoàn, hội ở các địa phương. Khi được người dân đón nhận nhiệt tình những giá trị văn hóa truyền thống thì đó là niềm vui và hạnh phúc của bà.
Cả cuộc đời gắn bó với nghệ thuật dân gian truyền thống, nhiều năm rồi, tại căn nhà nhỏ ở phường Bưởi, quận Cầu Giấy bà đã nuôi dưỡng và chắp cánh cho nhiều thế hệ người yêu nghệ thuật dân gian. Có những ngày trong tuần, căn nhà ấy lại nhộn nhịp tiếng cười, nói, ngân vang lên tiếng ca, tiếng gõ nhịp của bà Tám và các học trò.
Cũng trong căn nhà nhỏ ấy bà treo nhiều huân, huy chương, bằng khen. Nhiều tấm bằng, bức ảnh đã phai màu, nhưng bà vẫn trân trọng cất giữ, nâng niu như minh chứng một thời tuổi trẻ đầy nhiệt huyết và đam mê.
Hiện nay ngoài những công việc tham gia ở các hội, đoàn khác… bà còn có một vai trò quan trọng trong ban lãnh đạo của Trung tâm UNESCO phát triển Văn hóa và Thể thao đó là: phó trưởng ban Văn hóa, tham gia cố vấn, tham mưu về chuyên môn, hỗ trợ, dìu dắt các CLB, đoàn nghệ thuật tại Trung tâm.
Trong dịp Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11/2018, Trung tâm UNESCO đã tổ chức sự kiện chào mừng. Các tiết mục của đoàn Trống Hội Thăng Long đã gây một ấn tượng mạnh mẽ với quan khách và khán giả giữa đất trời Thăng Long. Với trang phục hoàng triều và tiếng trống hội vang lên như khơi gợi lại lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam mà ông cha chúng ta đã đi qua.
Sự gần gũi, giản dị, nhiệt huyết của bà chính là chất keo gắn kết một tập thể vững mạnh, đoàn kết tạo nên ngọn lửa cháy mãi với nghệ thuật dân gian truyền thống. Những hoạt động nghệ thuật của bà đã góp phần bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam đã được UNESCO vinh danh.
Khi đọc và nghe đến những cống hiến, thành tích của bà có lẽ mọi người không khỏi ngạc nhiên và có phần ngộp thở vì không thể hình dung nổi.. một người phụ nữ nhỏ bé kia, ở cái độ tuổi xưa nay hiếm còn đem sức mình cống hiến nhiệt tình cho quê hương, đất nước.
Xin phép gọi thêm một câu về đoàn nghệ thuật của bà: “Đoàn nghệ thuật Ngọn lửa Thăng Long”.
Nhân dịp đầu xuân kỷ hợi 2019, chúng tôi những người hội viên Trung tâm UNESCO xin cảm ơn và chúc bà cùng toàn thể anh, chị em của “Đoàn nghệ thuật Ngọn lửa Thăng Long” sức khỏe – Hạnh phúc – Anh khang – Thịnh vượng.
Thế Minh
Theo: Tác Giả
Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *